Trang chủ » Các loại cồn trong đời sống, ứng dụng và một số nhầm lẫn

Các loại cồn trong đời sống, ứng dụng và một số nhầm lẫn

Nói tới cồn là đại đa số mọi người sẽ nghĩ ngay đến độc hại, không tốt cho sức khỏe. Nhưng thực tế, cồn có rất nhiều loại mỗi loại cần phải đáp ứng 1 tiêu chuẩn nhất định để dùng vào 1 lĩnh vực nào đó trong cuộc sống như: thực phẩm, mực in, sơn, pha xăng, y tế,… Vậy các loại cồn này là gì? Cùng Rượu Việt tìm hiểu tất tần tật thông tin về cồn và làm rõ một số nhầm lẫn về cồn ở Việt Nam nhé!

Các loại cồn trong cuộc sống

1. Định nghĩa Alcohol – Cồn và những nhầm lẫn

Với những người không có chuyên ngành về hóa, công nghệ thực phẩm hay có sự tìm hiểu sâu thì thường sẽ bị rối loạn mỗi khi nhắc đến cồn và alcohol. Do vậy, trước khi đi vào phân loại, hãy cùng Rượu Việt làm rõ một số khái niệm về cồn, Alcohol,… 

1.1. Alcohol là gì?

Alcohol hay rượu là tên gọi quốc tế để chỉ các loại cồn, là một hợp chất hữu cơ chứa nhóm -OH gắn vào một nguyên tử cacbon carbon của hydrogen. Nếu đã từng học qua môn hóa học ở cấp trung học phổ thông thì có lẽ đều biết. Bởi trong sách hóa lớp 11 có hẳn 1 chương về alcohol (là chương hóa hữu cơ). Trong alcohol có tổng cộng 15 loại alcohol, mỗi loại có tính chất lý hóa khác nhau phụ thuộc vào bậc cacbon (số nguyên tử C trong hợp chất). Ví dụ như ethanol (C2H5OH), methanol (CH3OH), xylitol C5H7(OH)5), Glycerol (C3H5(OH)3),… 

Alcohol (rượu) được phân chia theo nhiều nhóm như: alcohol no và không no, alcohol đơn chức và đa chức, Alcohol có nguyên có Cacbon ≤ 12 dạng lỏng, cacbon > 12 ở dạng rắn. 

1.2. Cồn là gì?

Trong đời sống của người dân Việt Nam, alcohol (rượu) không được hiểu là các loại rượu) mà alcohol được hiểu là ethanol hay còn gọi là cồn (rượu etylic, cồn ngũ cốc). Ethanol là một hợp chất có nồng độ cồn cao từ 70 độ trở lên có công thức hóa học là C2H5OH.  Đây là sản phẩm chính sinh ra trong quá trình lên men các loại nguyên liệu thô có chứa tinh bột, đường và là thành phần chính trong các loại đồ uống có cồn như rượu, bia. Cồn ethanol (rượu etylic) cao độ được chia thành 3 dạng ứng với từng mục đích sử dụng như: sản xuất công nghiệp, chế biến thực phẩm và y tế.

  • Cồn thực phẩm

Là ethanol (rượu etylic) là hợp chất hữu cơ được sản xuất bằng cách lên men các loại ngũ cốc, thực phẩm ăn được (củ cải đường, ngô, rỉ mật, sắn,…) và phải đạt tiêu chuẩn quốc gia về độ cồn (≥ 96 độ). Cồn thực phẩm cũng cần có các tiêu chí về methanol, andehit, Acid, Este đạt yêu cầu về hàm lượng dùng trong thực phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. 

  • Cồn y tế

Cồn y tế cũng là ethanol/rượu etylic, được sản xuất để dùng trong lĩnh vực y tế với nồng độ phổ biến là 70 độ cồn và 90 độ cồn phục vụ cho mục đích khử trùng, tẩy uế. có tiêu chuẩn cần phải đạt về nồng độ cồn, hàm lượng tạp chất

  • Cồn công nghiệp

Cồn công nghiệp dân gian hiểu là cồn ethanol được dùng trong công nghiệp. Cồn Ethanol dùng trong công nghiệp thường được sản xuất từ nhiều các loại nguyên liệu thô (gạo, khoai tây, sắn,…). Cồn công nghiệp được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành như: pha xăng sinh học, dược phẩm, nước hoa, dệt may, lau vi mạch điện tử,… và được dùng trong các phòng thí nghiệm.

  • Cồn công nghiệp methanol

Ngoài ra, ở Việt Nam, cồn công nghiệp còn có 1 nhánh khác là cồn công nghiệp methanol (thành phần chính là methanol). Còn cồn được sản xuất từ ethanol được gọi là cồn công nghiệp hoặc cồn công nghiệp ethanol (thành phần chính là ethanol). 2 khái niệm này đều có từ chung “cồn công nghiệp” vì vậy cồn công nghiệp chia thành 2 loại là cồn công nghiệp ethanol và cồn công nghiệp methanol. 

Cồn công nghiệp methanol (alcohol gỗ, cồn gỗ) có công thức hóa học CH3OH, thành phần chính là methanol (hàm lượng methanol đậm đặc) còn các chất như ethanol, ester, Acid,.. lại trở thành tạp chất. Vì hàm lượng methanol trong cồn này rất cao, độc nên không được ứng dụng trong thực phẩm và y tế nhưng lại được dùng trong một số ngành công nghiệp nhất định như: làm chất tẩy rửa, xử lý nước thải sinh hoạt/công nghiệp, in ấn, sơn, chất chống đông,…

2. Phân loại alcohol 

Như đã nói, alcohol bao gồm rất nhiều các loại hợp chất, mỗi loại sẽ được ứng dụng vào những lĩnh vực khác nhau. Để dễ hiểu hơn thì chúng ta có thể loại alcohol thành các kiểu như sau: 

Nhắc đến alcohol nói chung thì chúng ta sẽ chia các hợp chất hữu cơ thuộc nhóm rượu thành:

  • Theo cấu trúc: Alcohol mạch thẳng và mạch vòng

Alcohol mạch thẳng: CH3-CH2-OH (ethanol), CH3-OH (methanol)

Alcohol mạch vòng: C6H60 (phenol)

  • Theo liên kết: Alcohol no, không no và thơm

Các chất thuộc nhóm alcohol no: CH3-CH2-OH (ethanol), CH3-OH (methanol)

Các chất thuộc nhóm alcohol không no:  CH2=CH-CH2-OH (allyl), 

Các chất thuộc nhóm alcohol thơm: C6H5CH2OH (Benzyl alcohol)

  • Theo nhóm chức: Alcohol đơn chức và đa chức

Alcohol đơn chức gồm có: CH3-CH2-OH (ethanol), CH3-CH(OH)-CH3 (isopropanol),…

Alcohol đa chức có: OH-CH2-CH2-OH (ethylene glycol), OH-CH2-CH(OH)-CH2-OH (glycerol),…

Ngoài ra, cồn ethanol nói riêng còn được phân loại theo 2 hình thái gồm cồn khô và cồn nước. Trong đó:

  • Cồn nước: là một hợp chất rất dễ bay hơi gồm hỗn hợp ethanol + nước. Hợp chất này sẽ chứa tối thiểu 50% ethanol, dễ bốc cháy khi gặp lửa nên có thể dùng để đun nấu. Một số loại cồn như cồn y tế, cồn thực phẩm, cồn dùng pha xăng cũng thuộc nhóm cồn nước này.
  • Cồn khô: Là cồn đã được loại bỏ nước thành dạng thạch; là sản phẩm của ethanol và một số chất phụ gia, nếu làm đúng công thức thì cồn khô sẽ là chất đốt rất an toàn và hiệu quả. Ở dạng thạch, nếu không may bị nổ thì sẽ không xảy ra hiện tượng chảy tràn như cồn nước.

3. Cách sản xuất cồn 

Cồn được tạo ra theo 2 cách là dùng phương pháp hóa học (tạo ra từ các phản ứng) và dùng phương pháp chưng cất từ nguyên liệu tự nhiên.

3.1. Cách sản xuất cồn ethanol

3.1.1. Sản xuất bằng phản ứng hóa học

Bằng cách này, người ta sẽ tạo ra cồn bằng phản ứng hóa học hydrat hóa ethylen (ethylen thuộc dãy đồng đẳng của alken). Ethylen là sản phẩm của ngành dầu khí do đó là nguyên liệu dễ kiếm.  Tuy nhiên phương pháp sản xuất ethanol này không được ứng dụng vào sản xuất thực tế vì khó và đầu tư tốn kém, hiệu quả kinh tế thấp. Còn trong các phòng thí nghiệm, nghiên cứu khoa học thì ứng dụng cách này rất dễ và tiện lợi.

  • C2H4+ H2O → CH3CH2O

Một phương pháp khác để chuyển đổi ethylen thành ethanol là sử dụng ethyl sulfate. Ethylen phản ứng với axit sunfuric tạo thành etyl sunfat mà khi thủy phân sẽ tạo ra ethanol và tái sinh axit sunfuric.C

2H4 + H2SO4 → CH3CH2SO4H

CH3CH2SO4H + H2O → CH3CH2OH + H2SO4

3.1.2. Sản xuất từ nguyên liệu sinh học

Trong khoa học người ta gọi cách này là sản xuất bằng phương pháp sinh học. Chúng ta có thể hiểu đơn giản là cồn sẽ được sản xuất ra bằng các nguyên liệu có trong tự nhiên như gỗ, ngô, rỉ mật của mía, gạo, sắn,… Nguyên liệu sẽ trải qua quá trình lên men, chưng cất và tách chiết tùy vào nguyên liệu cách lên men sẽ có sự khác nhau. 

  • Quy trình sản xuất ethanol từ ngũ cốc, thực phẩm (có tinh bột)

Xử lý nguyên liệu => Hồ hóa (nấu cháo) => Đường hóa => Lên men với nấm men => Chưng cất và tinh chế => Kiểm tra, tàng trữ

  • Quy trình sản xuất ethanol từ thực phẩm (không tinh bột)

Xử lý nguyên liệu => Lên men => Kiểm tra và cất trữ => đóng chai.

Quy trình sản xuất cồn - Các loại cồn trong cuộc sống

Ở Việt Nam có nhiều nhà máy sản xuất cồn ethanol từ thực phẩm và ngũ cốc có thể kể đến như nhà máy Bình Tây, Công ty TNHH Tùng Lâm, Công ty Cổ phần Cồn Rượu Hà Nội (Halico) – đây là thương hiệu quốc gia,…

Ngoài ra, ethanol còn có thể được sản xuất từ nhóm nguyên liệu có xenlulo như: gỗ, giấy đã qua sử dụng, rơm rạ,…. tuy nhiên dùng cách này không hiệu quả bởi để làm cho các nguyên liệu thô này sinh ra đường thì nhà sản xuất phải mua một loại enzym (giá rất cao), nhưng lượng đường sinh ra rất thấp. Từ đó, lượng cồn ethanol thu được cũng rất thấp, chi phí nguyên liệu lại cao nên không khả thi.

Cách sản xuất ethanol nồng độ cao: Cồn ethanol có nồng độ cao nhất (ở Việt Nam) hiện nay là 99,8% tại công ty Tùng Lâm. Để làm được điều này, sau khi chưng cất và tinh lọc nhiều lần ethanol sẽ có nồng độ cao nhất là 99,6%. Đến lúc này dù người ta có chưng cất (chưng cất chân không) thêm thì cũng không thể thu được ethanol nồng độ cao hơn. Để đạt được 99,8% thì nhà sản xuất phải cho ethanol đi qua hạt zeolite 3A. Tại đây, cồn sẽ đi qua cho ra nồng độ cao và nước sẽ bị giữ lại. 

3.2. Cách sản xuất cồn methanol

3.2.1. Sản xuất cồn methanol từ khí tổng hợp và khí metan

Một cách sản xuất methanol rẻ và được ứng dụng nhiều nhất không thể không kể đến là sản xuất từ cacbon monoxit (CO) và metan (CH4)

Cacbon monoxit: Khi dùng cacbon monoxit, CO và hydro sẽ phản ứng trên chất xúc tác để tạo ra methanol. Chất xúc tác được sử dụng rộng rãi nhất là hỗn hợp oxit đồng và kẽm (ZnO), được hỗ trợ trên alumina (Al2O3).

  • CO + 2H2 → CH3OH

Khí metan: Phương pháp này có tên là “Steam reforming” dịch thô là cải cách hơi nước. Đây là phương pháp phổ biến nhất để sản xuất methanol. Khí metan, khí tự nhiên được thêm hơi nước vào và đun nóng cùng với chất xúc tác để tạo ra cacbon monoxide (CO) và hydro. Đây chính là khí tổng hợp. Khí tổng hợp này sẽ được đưa vào lò phản ứng để chuyển thành methanol.

CH4 + H2O → CO + 3H2  1.

CO2 + 3H2 → CH3OH + H2O  2.

Ngoài ra dùng Cacbon dioxit cũng là phương pháp  hấp dẫn vì nó đóng góp phần giảm thải khí nhà kính. Tuy nhiên cách này vẫn đang trong giai đoạn phát triển nên đắt hơn các phương pháp khác.

  • CO2 + 3H2 → CH 3 OH + H2O

3.2.2. Sản xuất cồn methanol bằng nguyên liệu tự nhiên (than đá, dầu mỏ)

  • Khí hóa than (sản xuất từ than)

“Coal Gasification” – Khí hóa than là phương pháp khá hữu ích để sản xuất methanol vì than là nguyên liệu có sẵn và dồi dào hơn khí tự nhiên. Đầu tiên, than sẽ được chuyển thành khí gọi là khí tổng hợp thông qua quá trình khí hóa. Khí tổng hợp sau đó được đưa vào lò phản ứng tổng hợp metanol, nơi nó được chuyển thành methanol. Tuy viên cách này phức tạp và tốn kém hơn so với phương pháp cải tạo bằng hơi nước.

  • Khí hóa sinh khối (sản xuất từ nguyên liệu thô)

“Biomass Gasification” – Khí hóa sinh khối hay dễ hiểu hơn chính là đốt vật liệu sinh học như gỗ, chất thải nông nghiệp (rơm rạ,…), chất thải rắn đô thị thành khí. Khí này sẽ trải qua quá trình khí hóa tạo thành khí tổng hợp. Sau đó, khí tổng hợp sẽ được đưa vào lò phản ứng để chuyển thành methanol.

Như vậy, nói một cách chính xác hơn thì methanol là sản phẩm phụ thu được trong quá trình đốt gỗ. Nhưng nhiều người lại đang hiểu lầm rằng methanol được sản xuất từ gỗ vì nó có tên quốc tế là (wood alcohol). Hơn nữa, trang wikipedia Việt Nam cũng ghi “Methanol thường được gọi là “cồn gỗ” (wood alcohol) bởi vì methanol là một sản phẩm phụ trong quá trình chưng cất khô sản phẩm gỗ” mà không có giải thích gì cùng với các bài viết không rõ ràng từ nhiều trang tin Việt Nam  khiến nhiều người lầm tưởng cồn methanol được sản xuất từ gỗ.

Việc sản xuất methanol từ quá trình đốt gỗ là có thể nhưng không được ứng dụng vào thực tiễn bởi hiệu suất sinh methanol rất thấp và giá nguyên liệu thô (gỗ) lại cao)

4. Ứng dụng của cồn trong cuộc sống

Cồn được ứng dụng trong rất nhiều sản phẩm xung quanh chúng ta. Do vậy, ngoài 2 cách phân loại trên, chúng ta còn có thể phân loại cồn dựa vào ứng dụng của nó. Cụ thể, gồm ứng dụng trong các ngành công nghiệp, y tế và thực phẩm.

4.1. Sử dụng trong công nghiệp

Cả ethanol (cồn) và methanol (cồn công nghiệp methanol) đều được ứng dụng vào nhiều ngành sản xuất công nghiệp. 

Ethanol Methanol
 Làm nguyên liệu của các hợp chất hữu cơ khác như: axit axetic, dietyl ete, etyl axetat,… Dùng trong sản xuất formalin, andehit fomic và axit axetic,…
 Dạng dung môi, ethanol là chất điều chế trong các ngành in ấn, điện tử, bo mạch, dệt may, nước hoa, mỹ phẩm, kem nền,… Dùng làm chất tẩy rửa, hoặc xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, sơn, in ấn, sợi vải tổng hợp, chất kết dính,…
 Dùng trong các sản phẩm chống đông do chúng có điểm đóng băng thấp. Làm chất chống đông lạnh
 Dùng để pha chế xăng sinh học E5, E10 với tỷ lệ cồn chiếm 10%. Sử dụng làm nhiên liệu như dầu diesel sinh học, làm nhiên liệu thay thế cho tàu biển, làm nhiên liệu cho nồi hơi (tại Trung Quốc)
 Pin nhiên liệu, nhiên liệu tên lửa Làm pin nhiên liệu cung cấp hydrogen

Nhìn vào bảng ta có thể thấy, những sản phẩm làm ra từ ethanol có phần an toàn hơn so với những chế phẩm được tạo ra từ methanol hoặc methanol làm thành phần.

Với mỗi ứng dụng, cồn ethanol sẽ cần phải đạt những tiêu chuẩn khác nhau. Ví dụ như cồn ethanol dùng để pha xăng sinh học E5, E10 thì gọi là cồn không biến tính. Cồn ethanol dùng để pha xăng phải đạt nồng độ tối thiểu là 99,5%. Vì nếu thấp hơn sẽ xảy ra tình trạng xăng ngậm nước làm hỏng động cơ. Còn theo quy chuẩn QCVN 1:2020/BKHCN Việt Nam, cồn pha xăng sinh học cần phải đạt tối thiểu 99,0% và không chứa nước:

STT Tên chỉ tiêu Mức
1  Hàm lượng etanol, % thể tích, không nhỏ hơn 99,0
2  Hàm lượng metanol, % thể tích, không lớn hơn 0,5
3  Hàm lượng nước, % thể tích, không lớn hơn 1,0 
4  Độ axit (tính theo axit axetic CH3COOH), % khối lượng (mg/L), không lớn hơn 0,007 (56)
5  Hàm lượng clorua vô cơ, mg/L (mg/kg), không lớn hơn 8 (10)

4.2. Sử dụng trong y tế

Trong y tế, cồn ethanol được dùng vào rất nhiều mục đích khác nhau như cồn sát khuẩn (tiệt trùng) 70 độ và 90 độ. Và cần lưu ý rằng cồn dùng trong y tế nhất định phải được sản xuất từ ethanol (rượu etylic), không được phép làm từ methanol. 

Nhưng phổ biến nhất là cồn 70 độ và cồn 90 độ. Trong đó, cồn 70 thường được dùng để sát trùng sau khi tiêm tốt, không gây bỏng da và còn được dùng để vệ sinh phòng, thiết bị y tế. Với cồn 90 độ, đây là loại thường được dùng trong y tế và thẩm mỹ, chuyên dùng để sát khuẩn vết thương sau khi phẫu thuật.

Ngoài ra, ethanol còn được dùng làm thành phần trong rất nhiều các chế phẩm thuốc như: nước súc miệng, siro ho, thuốc gây mê, thuốc ngủ,….Để đạt được tiêu chuẩn dùng trong y tế thì điều quan trọng nhất là hàm lượng methanol phải ở mức quy định. Cụ thể, cồn y tế không được phép có quá  0,02% methanol, các thành phần không được quá 0,03%.

Các loại cồn trong cuộc sống - Cồn y tế

4.3. Sử dụng trong thực phẩm

Các loại cồn (ethanol) dùng trong ngành công nghiệp thực phẩm thì Việt Nam thường gọi là cồn thực phẩm. Loại cồn thực phẩm này phải được sản xuất từ rỉ mật, ngô, gạo, các ngoại ngũ cốc nói chung,…. Vai trò của cồn trong ngành này có thể kể đến như: làm chất bảo quản rau củ, trái cây, thực phẩm khác để kéo dài hạn sử dụng; chiết xuất tinh dầu, hương liệu từ thực vật; làm dung môi trong sản xuất chiết xuất vani; khử cafein trong cà phê và trà, chiết xuất dầu thực vật và sản xuất glycerin cấp thực phẩm.

Đặc biệt, cồn thực phẩm được dùng khá nhiều trong sản xuất rượu, đồ uống có cồn. Đây là hoạt động có điều kiện, đơn vị sản xuất phải tuân thủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tuân theo nghị định 17, nghị định 105 và phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với đồ uống có cồn.

Cụ thể, cồn ethanol chỉ được phép dùng để pha chế rượu khi đạt được quy chuẩn quốc gia QCVN 6-3:2010/BYT:

STT

Tên chỉ tiêu Mức quy định
1  Hàm lượng etanol ở 20oC, % thể tích, không nhỏ hơn 96,0
2  Hàm lượng axit tổng số, tính theo axit axetic, mg/l etanol 100o, không lớn hơn 15,0
3  Hàm lượng este, tính theo etyl axetat, mg/l etanol 100o, không lớn hơn 13,0
4  Hàm lượng aldehyde, tính theo axetaldehyd, mg/l etanol 100o, không lớn hơn 5,0
5  Hàm lượng rượu bậc cao, tính theo metyl-2 propanol-1, mg/l etanol 100o, không lớn hơn 5,0
6   Hàm lượng methanol, mg/l cồn 100o, không lớn hơn 300
7  Hàm lượng chất khô, mg/l etanol 100o, không lớn hơn 15,0
8   Hàm lượng các bazơ dễ bay hơi có chứa nitơ, tính theo nitơ, mg/l etanol 100o, không lớn hơn 1,0
9  Hàm lượng furfural Không phát hiện

Đặc biệt lưu ý: methanol không được ứng dụng trong thực phẩm bởi nó độc hại.

5. Cồn dùng sai mục đích sẽ để lại hậu quả gì?

5.1. Thực trạng việc dùng cồn sai mục đích

Bạn có thường nghe được những vụ ngộ độc do uống phải rượu kém chất lượng? Đây chính là biểu hiện cụ thể của việc sử dụng cồn sai mục đích. 

Thay vì dùng cồn thực phẩm đạt tiêu chuẩn để pha chế rượu và đồ uống có cồn thì có nhiều người lại dùng cồn công nghiệp hoặc cồn công nghiệp methanol để pha. Việc này xảy ra có thể là do thiếu hiểu biết hoặc nhầm lẫn, nhưng cả 2 loại cồn công nghiệp và cồn methanol  đều không được phép dùng trong thực phẩm, đồ uống bởi trong đó vẫn còn rất nhiều tạp chất như (furfural, methanol, rượu bậc cao,…)và ảnh hưởng tới sức khỏe người uống. 

Ngoài ra, còn có trường hợp sử dụng cồn sát khuẩn tay pha với nước để uống thay rượu, tiêu biểu như vụ 3 người ở Cà Mau tháng 6/2023. Cả 3 người đã phải đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Về lý thuyết thì đây cũng là cồn ethanol (rượu etylic) nhưng cồn sát khuẩn tay này không đạt tiêu chuẩn cồn dùng trong thực phẩm, hàm lượng tạp chất như methanol, furfural, nitơ, acid,… cao vượt ngưỡng).

Đây chỉ là một trong rất nhiều hậu quả khi dùng cồn sai mục đích. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người uống, mà còn vô tình làm cồn thực phẩm bị “vạ lây”, xấu đi trong mắt mọi người, khiến người ta cứ nghe tới cồn là nghĩ độc hại.

Xem thêm: 

5.2. Thực hư việc cố tình dùng cồn methanol, cồn công nghiệp trong sản xuất rượu

Có một sự thật là hiện nay hầu hết các bài báo trên mạng khi nói về các vụ việc pha rượu bằng cồn methanol hoặc cồn công nghiệp đều khá quy chụp cho rằng người bán rượu cố tình dùng cồn methanol để pha rượu.

Tuy nhiên theo Rượu Việt, vì họ không phải là người tham gia vào sản xuất nên không biết. Theo Giám đốc nhà máy cồn Xuân Lộc, Giám đốc kỹ thuật nhà máy cồn tùng lâm: Khi sản xuất cồn thực phẩm luôn có công đoạn tách 3-5% cồn đầu và cồn cuối. Trong lượng cồn này chứa hàm lượng methanol và tạp chất cao. Cồn loại này thông thường sẽ được bán cho các cơ sở sát khuẩn, sản xuất cồn khô để đốt,… nhưng khi buôn bán qua nhiều cấp độ hoặc công ty thương mại dán nhãn không rõ ràng dần đến nhầm lẫn.

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng sử dụng cồn sai mục đích thường thấy gồm:

  • Do muốn pha rượu từ cồn thực phẩm, nhưng thiếu hiểu biết về các loại cồn nên mua nhầm các loại với nhau. Hoặc cũng có thể do người bán cồn nhầm lẫn các loại.
  • Công ty sản xuất cồn luôn có công đoạn phân loại, lưu kho, xuất kho. Nhưng qua thời gian dài tem nhãn mờ đi, tới khi xuất xưởng là nhầm các loại với nhau.
  • Có một nguyên nhân nữa khá nhức nhối. Đó là cồn thải ra (có methanol và các chất độc hại) trong quá trình sản xuất cồn thực phẩm được bán lại cho người mua nhưng không cần biết mục đích người ta dùng để làm gì.

Vì vậy, theo góc nhìn của Rượu Việt: Nhà báo, phóng viên viết bài,…. không phải nhà sản xuất nên không biết rõ về cồn methanol. Cồn methanol công nghiệp mức độ độc hại tương đương với thuốc sâu nên để người làm cố tình đổ vào pha rượu thì không  phải, không dám làm. Họ chỉ là thiếu hiểu biết, nhầm lẫn hoặc cả tin trong khi mua cồn nên mới xảy ra tình trạng làm rượu kém chất lượng.

5.3. Cồn dùng sai mục đích sẽ để lại hậu quả gì?

Trước tiên, dùng cồn sai mục đích sẽ khiến hàng hóa không đạt chất lượng bán ra, từ đó gây thâm hụt tiền vốn. Ví dụ như pha xăng sinh học nhất định phải dùng cồn ethanol 99,5% với tiêu chuẩn không có nước, và một số tiêu chí khác. Tuy nhiên nếu người làm dùng cồn methanol để pha hoặc dùng ethanol không đạt tiêu chuẩn thì xăng chắc chắn sẽ không dùng được. Nếu cố tình bán ra thì cả đơn vị sản xuất và cây xăng cũng sẽ bị phạt.

Bên cạnh đó, cũng đã có rất nhiều vụ ngộ độc methanol xảy ra khi sử dụng cồn sai mục đích:

  • 10/2023, 5 người ở Bắc Kạn đã phải đi cấp cứu sau khi uống rượu tại một quán lẩu. Loại rượu này sau khi đi xét nghiệm thì phát hiện hàm lượng methanol cao hơn gấp 30 lần cho phép.
  • 9/2023, 2 dì cháu tại Cà Mau bị ngộ độc methanol sau uống rượu pha từ 1 lít rượu trắng (được cho từ Tây Ninh), với 1 lít nước lọc và 2 muỗng nước màu (dùng kho cá). Người cháu tên X bị tiên lượng rất nặng.
  • 8/2023, 3 người tại Kiên Giang bị ngộ độc, cấp cứu trong tình trạng nặng do uống phải rượu có chứa methanol hàm lượng cao. Trong vụ này đã có 2 người tử vong.
  • 2/2023: 7 người tại Thái Bình uống rượu khai xuân đã bị ngộ độc rất nặng. Loại “rượu” mà nhóm 7 người uống sua khi mang đi xét nghiệm thì có tới 58% là methanol.

Đây chỉ là một số vụ tiêu biểu trong năm 2023, tất cả để lại hậu quả khôn lường. Do vậy, trước khi mua cồn về sử dụng, bạn cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về từng loại cồn để đảm bảo cồn được sử dụng đúng mục đích.

Việc sản xuất đồ uống có cồn phải có giấy phép và đạt tiêu chuẩn của từng loại. Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 300 triệu lít rượu tương đương với 600-800 triệu chai. Tuy nhiên số vụ ngộ độc rượu xảy ra không nhiều và vụ ngộ độc methanol lại vô cùng nhỏ. Dù nhỏ nhưng người uống vẫn cần phải cảnh giá. Hãy là người uống thông thái và có hiểu biết. Bạn nên mua rượu tại các hộ nấu rượu truyền thống, các cơ sở uy tín và được nhiều người mua đánh giá cao.

Trên đây là chia sẻ của Rượu Việt về cồn, nếu bạn có bất kỳ thắc mắc cần giải đáp thì hãy để lại bình luận nhé!

5 1 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận