Mỗi quốc gia trên thế giới đều nổi tiếng với dòng rượu đặc trưng của riêng đất nước mình. Đôi khi cùng một dòng rượu nhưng mỗi nơi sản xuất lại cho ra hương vị khác biệt đến bất ngờ. Cùng Rượu Việt khám phá danh sách 15 dòng rượu nổi tiếng nhất thế giới theo từng quốc gia nhé!
Hiện nay, dù đã có rất nhiều các bài viết video nói về dòng rượu nổi tiếng thế giới. Nhưng có một sự thật là nhiều người vẫn đang có sự nhầm lẫn giữa dòng rượu và thương hiệu rượu. Thực tế, dòng rượu/loại rượu là để chỉ các loại như Whisky, Vang, Brandy,…. Còn thương hiệu là những thương hiệu của công ty sản xuất ra loại rượu đó. Ví dụ như dòng rượu Cognac thì có thương hiệu nổi tiếng là Hennessy, Martell chứ Hennessy không phải loại rượu.
1. Rượu Whisky – Scotland
Whisky là một dòng rượu nổi tiếng thế giới mà có lẽ ai cũng biết. Đây là một biểu tượng của sự tinh tế, được sản xuất tại nhiều quốc gia nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Scotland. Rượu Whisky được làm loại ngũ cốc như lúa mạch, lúa mì và ngô. Sau khi chưng cất 3 lần sẽ được ủ trong thùng gỗ sồi ít nhất 3 năm. Whisky thường có màu nâu hổ phách, hương vị đa dạng và nồng độ cồn của rượu khá cao, từ 43 đến 48 độ.
Ở Scotland, Whisky được quy định có 5 loại gồm: Single Malt Scotch Whisky (mạch nha đơn), Single Grain Scotch Whisky (ngũ cốc đơn), Blended Malt Scotch Whisky (mạch nha pha trộn), Blended Grain Scotch Whisky (ngũ cốc trộn), Blended Scotch Whisky (Scotch Whisky pha trộn). Ở Scotland cũng có 5 vùng làm rượu Whisky nổi tiếng gồm: Campbeltown, Highland, Islay, Lowland và Speyside, mỗi vùng sẽ mang đến một trải nghiệm mới về hương vị.
Ngoài ra, tại Scotland cũng có tới hơn 150 nhà máy sản xuất rượu Whisky trong đó có một số nhà máy vô cùng nổi tiếng và lâu đời như: nhà máy Glengoyne (thành lập 1833), nhà máy Dalmore (1839), Glenlivet (1824), Laphroaig (1815), Talisker (1830),…
2. Rượu Vang – Pháp
Rượu Vang Pháp có lịch sử từ khoảng thế kỷ thứ 6 TCN và đây cũng là nguồn gốc của nhiều loại vang cao cấp trên thế giới. Pháp là quốc gia sản xuất rượu vang lớn nhất thế giới với 50-60 triệu ha trồng nho, cho sản lượng rượu khoảng 7- 8 tỷ chai.
Rượu Vang Pháp nổi tiếng thế giới hương nhẹ dịu của nho, vị chan chát nhè nhẹ chạm vào đầu lưỡi nhưng lại nở rộ khi tới vòm họng. Đại đa số các loại rượu ngoại đều ủ trong thùng gỗ sồi, Vang Pháp cũng vậy nhưng nơi đặt thùng ủ rượu lại là sâu trong hang đá, hầm dưới lòng đất hoặc ủ dưới đáy biển sâu.
Vang pháp hiện có 4 loại gồm rượu vang trắng, rượu vang đỏ, rượu vang hồng và rượu vang sủi. Và có một điều đặc biệt là rượu vang Pháp bị cấm để tên giống nho nên thường người ta sẽ phân loại theo vùng sản xuất như: Rhône, Champagne, Bourgogne, Bordeaux,…Và đây cũng là những khu vực tập trung các nhà máy sản xuất Vang Pháp ngon nổi tiếng như: Domaine Virgile Joly, Domaine Cazes, Domaine Maltoff,…
3. Gin – Hà Lan
Hà Lan không chỉ nổi tiếng với cánh đồng hoa Tulip, mà còn có rượu Gin (Genever) làm ngất ngây biết bao thực khách. Loại rượu này được sản xuất lần đầu tiên vào năm 1650 bởi tiến sĩ Sylvius ở Hà Lan). Rượu Gin được sản xuất từ các loại ngũ cốc như lúa mạch, lúa mì, mạch đen và thành phần chính là cây bách xù tạo nên hương vị kết hợp với của vỏ cam, vỏ chanh, hạt hồi, đinh hương, nhục đậu khấu,… Khi lan đến các nước như Anh và Hoa Kỳ thì đều có sự điều chỉnh về nguyên liệu để tạo ra hương vị khác biệt.
Ở Hà Lan, rượu Gin truyền thống có 2 loại già gồm: Oude Genever (già – có hương vị đậm đà) và Jonge Genever (trẻ – có hương vị nhẹ nhàng và mượt mà). Việc phân loại này không phải ủ rượu lâu hay nhanh mà là dùng kỹ thuật sản xuất cũ hay mới.
Xem thêm: 7 đồ uống giải rượu đơn giản, dễ làm mang lại hiệu quả cao
4. Mao Đài – Trung Quốc
Mao Đài là quốc hồn quốc túy của Trung Hoa. Phải công nhận rằng đây là một trong những loại rượu trắng cao cấp nhất thế giới, được làm từ năm 135 trước công nguyên. Mao Đài có nguồn gốc từ thị trấn Moutai, thành phố Tuân Nghĩa, tỉnh Quý Châu. Đây là sự kết hợp hoàn hảo của công thức chưng cất riêng biệt, khí hậu thiên nhiên và tay nghề người nấu đã tạo ra hương vị độc nhất vô nhị. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm dịu nhẹ, có cảm giác như được hòa mình vào thiên nhiên với làn nước tinh khiết, trong mát.
Đặc biệt, quá trình ngâm ủ tới 3-4 năm, pha trộn cầu kỳ, nồng độ rượu chuẩn cũng tới 65 độ nên giá rượu thường không rẻ. Từng có chai Quý Châu Mao Đài 1763 được đấu giá 5.75 triệu NDT, tương đương 19,55 tỷ đồng.
5. Vodka – Nga
Dù có rất nhiều nước sản xuất nhưng Vodka vẫn là một trong những biểu tượng của nước Nga và là phần quan trọng trong văn hóa. Vodka lần đầu xuất hiện tại Nga vào thế kỷ 9 hoặc 10.
Rượu Vodka truyền thống thường được lên men từ các loại ngũ cốc hoặc khoai tây. Mỗi vùng sẽ có sự lựa chọn khác nhau về nguyên liệu tạo ra hương vị đặc trưng riêng. Vodka thường có độ cồn không thấp, phổ biến là 35-50 độ. Nhưng dù vậy thì một số nơi như Đông Âu và Bắc Âu vẫn uống suông không có đồ nhắm. Còn ở một số nơi khác thì thường được uống dưới dạng cocktail.
Ở Nga, có 3 thương hiệu rượu Vodka nổi tiếng thế giới nhất định phải kể như: Smirnoff, Stolichnaya, Beluga, Russian Standard.
6. Rum – Jamaica
Rum thường được làm từ hỗn hợp hỗn hợp của nhiều loại đường như đường mía, molasse, siro nước cùng loại men đặc biệt. Jamaica nổi tiếng với 2 loại: Rượu rum trắng: có vị ngọt và ấm, thoáng tí cay nồng, thường được sử dụng là nguyên liệu chính trong các loại cocktail mát lạnh. Rượu rum đen: màu đen đỏ hoặc nâu sẫm; hương vị đậm đà, cay nồng và có thể uống nguyên.
Ngoài ra, còn có Rum vàng, Rum hương vị, Rum trái cây và Rum cao cấp được sản xuất cẩn thận với nhiều tầng hương vị. Tại Jamaica có một số nhà máy sản xuất rượu Rum không thể bỏ qua như: Appleton Estate lịch sử hơn 256 năm, Hampden Estate hơn 260 năm, Wray & Nephew,…
7. Rượu Sake – Nhật
Nhắc đến rượu nổi tiếng mà quên rượu Sake thì đúng là 1 thiếu sót. Rượu Sake hay còn gọi là rượu gạo Nhật Bản có lịch sử tới hơn 2000 năm, trước kia dùng trong các dịp lễ, cúng tế.
Để làm ra rượu Sake, nước là nguyên liệu chính tạo ra hương vị của rượu. Nước phải là nước đầu nguồn. Còn với gạo, hạt được mài bỏ phần cám, chỉ giữ lại phần lõi tinh bột sau đó lên men và không qua chưng cất. Rượu Sake thường là 15 độ, phù hợp với cả chị em phụ nữ.
Ở Nhật Bản, một số khu vực nổi tiếng với nguồn nước tinh khiết và truyền thống sản xuất Sake lâu đời, như Niigata, Hyoto, Kyoto, Nara,… Và nhà máy sản xuất rượu Sake lớn nhất là Hamafukutsuru. Bên cạnh việc uống thông thường thì rượu Sake còn được dùng làm nguyên liệu để ủ rượu mơ umeshu Nhật Bản trứ danh nữa.
8. Raki – Thổ Nhĩ Kỳ
Nếu như vang dùng nho tươi thì Raki lại được lên men từ nho hoặc nho khô, qua 2 lần chưng cất tỉ mỉ. Ở lần chưng cất thứ 2 người ta sẽ cho thêm hoa hồi vào để tăng hương vị nồng nàn, khi uống sẽ xộc thẳng lên mũi. Rượu có vị hơi ngọt và cay nhẹ.
Thưởng thức rượu Raki cũng là một nghệ thuật, rượu sẽ được uống cùng nước hoặc đá lạnh. Raki sẽ được rót vào loại ly cổ con cò với tỉ lệ 4:1, nghĩa là 4 phần rượu và 1 phần nước/đá, nhiệt mát lạnh 8-10 độ. Đặc biệt, Raki là rượu mạnh trong suốt (40-50 độ) khi thưởng thức nguyên chất, nhưng khi uống cho thêm nước vào thì rượu sẽ chuyển sang màu trắng sữa.
Trước kia phương thức sản xuất Raki từ nho khô khá phổ biến, và có một số nhà máy lâu đời như Tekirdağ, Nevşehir và İzmir. Hiện tại người Thổ Nhĩ Kỳ thường dùng nho tươi để rượu có chất lượng cao hơn.
Xem thêm: TOP 10 vùng men lá nổi tiếng
9. Tequila – Mexico
Rượu Tequila là biểu tượng văn hóa của người dân Mexico, ra đời vào khoảng năm 250 đến 300 sau công nguyên tại vùng Tequila, bang Jalisco. Nguyên liệu chính để làm ra rượu Tequila là cây thùa xanh. Quá trình chiết xuất lấy hỗn hợp nước và đường cây thùa rồi lên men, chưng cất đều vô cùng cẩn thận. Thành phẩm qua 2 lần chưng cất sẽ có độ cồn khoảng 55% để lưu giữ được trọn vẹn hương vị cây thùa xanh.
Tại Mexico, rượu Tequila có 5 loại gồm: Tequila Plata (Blanco) không được ủ hoặc ủ ngắn hơn 2 tháng; Reposado ủ 2-12 tháng, Añejo ủ 1-3 năm, Extra Añejo hơn 3 năm, cuối cùng là Oro (màu vàng) không xác định độ tuổi.
10. Soju – Hàn Quốc
Soju gắn liền với lịch sử phát triển của Hàn Quốc, được quảng bá nhiều trong các bộ phim ảnh. Giá cả cũng bình dân, độ cồn thấp nên khá được chị em Việt Nam ưa chuộng. Soju được nấu từ gạo là chính, nhưng do hạn chế về gạo ở thế kỷ 20 nên nhiều nơi đã dùng nguyên liệu khác như lúa mì, khoai lang, bột sắn,…. Sau này thì kết hợp cùng một số loại hoa quả như táo, lê,… cho ra Soju hương trái cây rất thơm.
Sau quá trình lên men và chưng cất, rượu thường có độ cồn khá cao. Tuy nhiên trước khi đóng chai, rượu đã được pha loãng với nước để hạ độ. Các chai rượu soju sau cùng thường có nồng độ cồn khoảng 17%.
Thưởng thức Soju cũng là một nét văn hóa đặc biệt của Hàn Quốc. Khi rót rượu phải rót cho người khác trước, khi uống cùng người có cấp bậc cao hơn hoặc lớn tuổi hơn thì phải cụng ly bằng 2 tay và uống phải che miệng, quay sang 1 bên. Nếu nâng ly thoải mái như người Việt chúng ta thì sẽ bị coi là vô lễ.
11. Brandy – Pháp (Cognac, Armagnac)
Brandy là rượu mạnh chưng cất được chiết xuất từ bất kỳ loại trái cây nào nói chung. Nhưng phần lớn là được sản xuất từ nho sau đó là một số loại trái cây khác như táo (Brandy Calvados),… Dù Brandy là từ mô tả chung cho rượu mạnh sản xuất từ trái cây nhưng nổi tiếng nhất trong dòng này vẫn là Cognac và Armagnac của Pháp. Cả 2 loại này đều chỉ được sản xuất ở 2 dùng tương ứng và dùng giống nho nhất định:
- Cognac dùng nho trắng ít đường gồm: Ugni Blanc, Folle Blanche và Colombard.. Khi đóng chai sẽ có độ cồn khoảng 40%. Một số thương hiệu Cognac phổ biến không thể không kể đến như Hennessy, Martin, Martell,…
- Armagnac được làm từ hỗn hợp nho Baco 22A, Colombard, Folle blanche và Ugni blanc. Armagnac ít phổ biến hơn Cognac một chút nhưng vẫn có thể tìm mua dễ dàng. Armagnac thường được đóng chai ở nồng độ cồn 46-48%. Một số thương hiệu sản xuất Armagnac tại Pháp:Castarède , Cerbois Bas , Sempe, Delord.
12. Schnapps – Đức
Rượu Schnapps có nguồn gốc từ văn hoá Châu Âu. Ban đầu nó được sản xuất như một cách bảo quản trái cây thu hoạch dư thừa. Rượu Schnapps có 2 loại chính là rượu trái cây và rượu thảo dược.
Rượu trái cây này khác với vang là nó được lên men từ các loại như táo, lê mận, anh đào, mơ,… sau đó chưng cất tạo ra rượu trái cây không đường, nồng độ cồn cao (ít nhất 32%). Ngoài ra rượu Schnapps ở miền Bắc nước Đức còn được sản xuất từ ngũ cốc như mạch nha, ngô, lúa mạch đen và lúa mì. Còn rượu mùi Thảo dược thì được sản xuất theo kiểu khác. Nó sẽ được thêm hương vị thảo dược vào rượu trung tính (Cồn ethanol thực phẩm được sản xuất từ ngũ cốc).
Rượu Schnapps được sản xuất ở rất nhiều nơi trên toàn nước Đức. Trong đó vùng lớn nhất là Bavaria, Black Forest, Thuringia,…
13. Horilka – Ukraina
Horilka (перцівка) là một loại rượu mạnh, trong tiếng Ukraina có nghĩa là sự cháy bỏng. Horilka thường được chưng cất từ ngũ cốc (thường là lúa mì hoặc lúa mạch đen ), ngoài ra nó cũng có thể được chưng cất từ khoai tây, mật ong, củ cải đường,…
Horilka có hương vị êm dịu, ngọt nhẹ nơi hậu vị. Đặc biệt, đây là một trong số ít những sản phẩm cho tới nay vẫn giữ được hầu hết dây chuyền sản xuất, chế biến theo cách thủ công. Ở Ukraina cũng có một số thương hiệu sản xuất rượu horilka có tiếng như: Hetman, Vozdukh, Khlibnyi Dar,…
14. Pisco – Peru & Chile
Pisco là loại rượu mạnh có nguồn gốc từ Peru và Chile (hiện vẫn đang tranh cãi về nguồn gốc), được sản xuất từ nho hay nói một cách dễ hiểu hơn thì là chưng cất từ rượu vang ngon. Nhìn chung rượu Pisco cũng có thể coi là một loại Brandy nho. Dù cùng dùng nước ép nho lên men để chưng cất, nhưng Pisco của Peru rất khác so với loại ở Chile vì mỗi quốc gia có phong cách rượu riêng. Rượu Peru được làm từ 8 giống nhau và chỉ được chưng cất một lần thì rượu Chile lại không gò bó (có thể dùng tới 13 loại nho) và qua nhiều lần chưng cất.
Với sự đa dạng trong cách sản xuất và sử dụng giống nho, rượu Pisco có rất nhiều loại hương vị hấp dẫn. Pisco có màu từ trong đến hổ phách, có mùi thơm và hương vị đặc trưng giống rượu vang, từ mịn và thảo dược đến có mùi đất tùy thuộc vào độ tuổi và chất lượng.
Ở Chile, các vùng sản xuất Pisco nổi tiếng là Coquimbo với nhà máy Pisco Capel, vùng Elqui Valley với nhà máy Pisco Mistral. Còn ở Peru thì có các vùng như: Ica với nhà máy Bodega Tacama, vùng Lima với nhà máy Bodega Viñas de Oro.
15. Shochu – Nhật bản
Và cuối cùng trong danh sách rượu nổi tiếng thế giới này không thể không kể đến rượu ShoChu. Lưu ý rằng đây không phải phiên bản tiếng Nhật của rượu Soju Hàn Quốc nhé. Shochu là một loại rượu của Nhật Bản có nồng độ cồn 25% thường được chưng cất từ các loại ngũ cốc như gạo, lúa mạch, khoai lang, đường nâu, kiều mạch. Đôi lúc Shochu còn được sản xuất từ cà rốt, hạt vừng, khoai tây, hạt dẻ.
Rượu Shochu trong suốt, đa dạng hương vị và thường sẽ có 6 loại gồm:
- Imo (Shochu khoai lang) sản xuất ở miền nam Kyushu (tỉnh Kagoshima và Miyazaki).
- Mugi (Shochu lúa mạch) được sản xuất ở phía Bắc Kyushu (Đảo Iki của Nagasaki, tỉnh Fukuoka, tỉnh Oita).
- Kome (rượu shochu gạo) được sản xuất chủ yếu ở tỉnh Kumamoto ở miền Trung Kyushu.
- Kokuto (rượu shochu đường) được sản xuất độc quyền tại Quần đảo Amami (tỉnh Kagoshima). Mặc dù hương vị nó có chút gợi nhớ đến Rum nhưng chắc chắn đó là phong cách riêng của shochu.
- Soba (kiều mạch) được sản xuất chủ yếu ở tỉnh Miyazaki và Nagano.
- Kasutori được làm từ bã rượu sake còn sót lại, được sản xuất trên khắp Nhật Bản.
Trên đây, Rượu Việt đã giới thiệu đến bạn 15 loại rượu nổi tiếng thế giới của từng quốc gia. Mỗi dòng rượu không chỉ là biểu tượng của sự đa dạng trong ẩm thực, mà còn là một phần quan trọng của cuộc sống và văn hóa của con người trên toàn thế giới. Nếu còn loại rượu nào Rượu Việt chưa nhắc tới thì bạn hãy chia sẻ lại ở bình luận nhé!